Biện pháp này được Uỷ ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc đưa ra sau khi các đơn vị quản lý họp bàn về việc ngày càng nhiều người mua nhà từ chối trả tiền. Theo SCMP, đây là lần đầu tiên Trung Quốc tăng thanh khoản cho thị trường này sau khi ngân hàng trung ương thắt chặt tín dụng vào bất động sản từ tháng 8/2021, đẩy lĩnh vực này vào thế khó.
Báo Tin tức Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc cho biết các ngân hàng được yêu cầu làm việc với chính quyền địa phương để cung cấp đủ tín dụng cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để họ hoàn thành và bàn giao nhà theo hợp đồng.
Giới chức cũng thúc giục ngân hàng hỗ trợ hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) của chủ đầu tư để ổn định thị trường bất động sản. Các ngân hàng còn được yêu cầu cải thiện quan hệ với người mua nhà và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của họ.
Một dự án dang dở của Evergrande tại Bắc Kinh. Ảnh: Bloomberg
Trong các thông báo công khai, các ngân hàng thương mại cho biết tình hình có thể kiểm soát được. Tuy nhiên, giới quan sát vẫn lo ngại do tầm quan trọng của lĩnh vực bất động sản. Ngành bất động sản, gồm xây dựng, bán hàng và các dịch vụ liên quan, đóng góp khoảng 20% GDP Trung Quốc. Khoảng 70% của cải của tầng lớp trung lưu Trung Quốc gắn liền với địa ốc.
Các nhà phân tích cảnh báo sự ổn định của hệ thống tài chính có thể bị đe doạ nếu tình trạng từ chối trả nợ vay mua nhà trở thành một làn sóng. Hiện tại, người mua nhà Trung Quốc đã từ chối thanh toán tiền vay tại ít nhất 100 dự án ở 50 thành phố.
Theo thống kê của SCMP, khoảng 75% số chủ đầu tư nợ nhiều nhất của Trung Quốc đã lỡ hẹn hoàn thành và bàn giao nhà. Điều này khiến hàng nghìn người mua nhà rơi vào thế khó.
Tú Anh (Theo Bloomberg/SCMP)