Tỷ lệ lấp đầy bất động sản công nghiệp cao
Thông tin về thị trường bất động sản công nghiệp mới nhất của Savills Việt Nam cho thấy, tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp tại Việt Nam hiện nay đạt 70,9%, tương đương với mức cuối năm 2020. Bất động sản khu công nghiệp ở khu vực phía Bắc tại khu kinh tế ở Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng vẫn ghi nhận nguồn cung tốt nhờ các dự án mới.
Tại 6 tỉnh trọng điểm phía Bắc, nguồn cung khu công nghiệp đạt mức 11.000 ha. Tỷ lệ lấp đầy đến nay khoảng 83% và chỉ còn trống khoảng 2.000 ha. Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp tại Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang đã chạm mức 96%. Các địa phương như Hưng Yên với tỷ lệ lấp đầy khoảng 77% và Hải Phòng ở mức 68% một điểm đến khá thích hợp cho nhà đầu tư vào lúc này.
Tỷ lệ lấp đầy bất động sản đạt hơn 70% (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư).
Đối với nhà xưởng, nhà kho đã xây dựng sẵn, giá thuê trung bình đã lên đến 5 USD/m2/chu kỳ thuê và tỷ lệ lấp đầy đạt 78%.
Trước đó, báo cáo cập nhật của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho thấy, tỷ lệ lấp đầy ở các khu công nghiệp của cả nước trong nửa đầu năm nay có xu hướng tăng và đạt ở mức cao. Trong đó tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp ở phía bắc trong nửa đầu năm nay đạt khoảng 80%, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp tại các tỉnh, thành phố phía nam là khoảng 85%.
Đáng chú ý, tại một số địa phương, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp còn ở mức cao trên 95% như TPHCM, Đồng Nai và Bắc Ninh.
Giá thuê bất động sản công nghiệp trong quý II vừa qua tiếp tục có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước. Tại khu vực phía bắc, giá thuê bất động sản công nghiệp tăng từ 5% đến 12% và tại khu vực phía nam tăng từ 8% đến 13% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam, hiện có khoảng 563 khu công nghiệp với tổng diện tích được bao phủ là khoảng 210.900ha.
Tuy nhiên, một số khu công nghiệp vẫn chưa hoạt động. Đến nay, số khu công nghiệp thực tế đã công bố là 406, trong đó 361 dự án nằm ngoài khu kinh tế, 37 dự án thuộc các khu kinh tế và 8 dự án điện công nghiệp khác nằm trong khu kinh tế cửa khẩu.
Chi phí đền bù và giá đất tăng gây trở ngại
Chuyên gia của Savills cho biết trong khu vực Đông Nam Á, không có quốc gia nào tham gia nhiều FTA (Hiệp định thương mại tự do) như Việt Nam. Điều này giúp tạo được niềm tin cho các nhà sản xuất có giá trị cao trên toàn cầu.
Chuyên gia lo ngại chi phí đền bù và giá đất tăng gây trở ngại nhà đầu tư bất động sản công nghiệp (Ảnh minh họa: Hà Phong).
Mặt khác, so sánh với các thị trường khác tại châu Á và Đông Nam Á, lợi nhuận và sản lượng hiện nay ở Việt Nam là một trong những điểm thu hút các nhà đầu tư nhất.
Tuy nhiên, đơn vị này cũng cho rằng, vẫn còn một số thách thức nhất định đối với thị trường bất động sản công nghiệp ở nước ta. Trong đó, chi phí đền bù cộng với giá đất ở Việt Nam đã tăng lên rất nhiều trong thời gian gần đây, gây thách thức đối với các chủ đầu tư muốn thành lập các khu công nghiệp mới hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang công nghiệp.
Ngoài ra, hai thách thức dài hạn bao gồm trình độ lao động và cơ sở hạ tầng cũng gây không ít khó khăn cho sự phát triển. Trong đó, cơ sở hạ tầng khu vực phía Nam đang rất cần được cải thiện mạng lưới giao thông, đặc biệt là đường bộ…
Giới chuyên gia dự báo, trong khoảng thời gian tới đây, khi nhu cầu phát triển công nghiệp bùng nổ sẽ kéo theo sự phát triển của hàng loạt yếu tố về logistic, hạ tầng, dịch vụ…, nhu cầu về nhà ở cũng tăng mạnh mẽ. Khi đó chính là cơ hội tốt nhất để bất động sản nhà ở ven các khu công nghiệp tăng giá và nâng cao giá trị của thị trường bất động sản những vùng lân cận.