Sáng nay, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông bất thường lần hai, với nội dung chính là bổ sung nhân sự hội đồng quản trị. Phiên họp được bắt đầu với sự tham gia của gần 300 cổ đông, đại diện 36% số cổ phần có quyền biểu quyết.
Trước phiên họp, Hội đồng quản trị FLC chỉ còn hai thành viên, gồm Chủ tịch Đặng Tất Thắng và Tổng giám đốc Bùi Hải Huyền. Ông Trịnh Văn Quyết và bà Hương Trần Kiều Dung bị bắt, khởi tố với tội danh Thao túng thị trường chứng khoán, còn ông Lã Quý Hiển vừa có đơn xin từ nhiệm.
Theo danh sách đề cử và đã được các cổ đông thông qua, FLC bầu bổ sung ba thành viên mới, gồm ông Lê Bá Nguyên, Lê Thái Sâm và Doãn Hữu Đoàn.
Phiên họp cổ đông bất thường lần 2 của FLC được tổ chức sáng 2/7 tại Hà Nội. Ảnh: Anh Tú
Ông Lê Bá Nguyên, sinh năm 1977, là anh rể ông Trịnh Văn Quyết. Ông từng giữ vai trò thành viên Hội đồng quản trị FLC từ năm 2013 đến tháng 10/2017 và từ tháng 6/2018 đến 6/2020. Ngoài ra, ông Nguyên còn giữ vai trò lãnh đạo tại một số công ty khác trong hệ sinh thái FLC.
Ông Doãn Hữu Đoàn, sinh năm 1982, có nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính. Trước khi được bầu vào Hội đồng quản trị FLC, ông Đoàn làm việc tại MBS, giữ chức Chủ tịch Công ty An Khang Phú Thịnh.
Ông Lê Thái Sâm, sinh năm 1964 và hiện không có nhiều thông tin. Bản lý lịch trích ngang của cá nhân này chỉ được FLC giới thiệu "là người am hiểu sâu sắc về môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam" và "có nhiều quan hệ hợp tác với các quỹ đầu tư, các tổ chức, tập đoàn kinh tế lớn".
Ông Đặng Tất Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, cho biết FLC đã tìm kiếm các ứng viên phù hợp với quy định pháp luật, phù hợp với tập đoàn, bàn việc nhân sự kỹ lưỡng trong hai tháng qua. Trong đó, ông Sâm là thành viên độc lập được đánh giá phù hợp với FLC khi có hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản, ngân hàng. Ông Lê Bá Nguyên từng là thành viên Hội đồng quản trị FLC, nay trở lại giúp tập đoàn.
Trong thời gian tới, FLC cho biết sẽ tập trung tái cơ cấu, rà soát lại 200 dự án trên cả nước, tập trung nguồn lực vào những dự án có tiềm năng nhất. Đồng thời, tập đoàn cũng rà soát lại toàn bộ các công ty con, công ty liên kết, và chỉ giữ lại các công ty có hiệu quả.
Đối với báo cáo tài chính kiểm toán, ông Lã Quý Hiển cho biết, hiện nay một số đơn vị kiểm toán đã vào làm việc, dự kiến trong tháng 7 sẽ ký hợp đồng với FLC. Theo đó, tập đoàn kỳ vọng tháng 8, 9 có thể công bố báo cáo kiểm toán theo yêu cầu của Ủy ban chứng khoán và Sở HoSE.
Với tình hình tài chính, Tổng giám đốc Bùi Hải Huyền thông tin, FLC hiện vẫn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với các đối tác, tổ chức tín dụng. Năm nay, một trong những mục tiêu của tập đoàn là giảm tối đa dư nợ tại các đối tác ngân hàng lớn.
2 ngày trước thềm phiên họp này, Hội đồng quản trị FLC, với hai thành viên, đã thông qua nghị quyết mua lại toà nhà 265 Cầu Giấy từ OCB để bán cho bên khác, với giá tối thiểu 2.000 tỷ đồng.
Sau khi lãnh đạo vướng vòng lao lý, FLC phải đối mặt với việc siết nợ từ các ngân hàng. Một số nhà băng là chủ nợ của FLC như OCB, Sacombank hồi tháng 4 đã khẳng định "sẽ thu hết nợ của FLC".
Minh Sơn - Anh Tú