Chị Nguyễn Thị Oanh, 32 tuổi, Hà Nam xuất hiện khối u xơ cỡ lỡn, có thể nhìn rõ bằng mắt thường. Bụng dưới phồng to, cứng. Chị gặp phải hiện tượng rong kinh kéo dài suốt một năm, người mệt mỏi, xanh xao do thiếu máu.
Người phụ nữ 32 tuổi thường xuyên xuất hiện tình trạng hoa mắt, đứng không vững khi lao động. Biểu hiện sức khỏe đi xuống trùng với thời điểm tiêm vaccine Covid-19. Chị Oanh nghĩ, việc chích ngừa có thể gây rối loạn kinh nguyệt. Một thời gian sau, tình trạng sức khỏe không cải thiện, chị thăm khám thì các bác sĩ cho biết có khối u xơ tử cung.
Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Đức Hinh - Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh Hà Nội nhận định, theo phân loại của FIGO, u xơ tử cung của người bệnh xếp vào type 0 (còn gọi là polyp xơ của buồng tử cung). Khối u ít có nguy cơ ác tính nhưng kích thước lớn, chiếm toàn bộ tử cung, đường kính của phần cuống xấp xỉ 4 cm. U xơ tử cung khiến các niêm mạc dễ bị tổn thương, gây ra hiện tượng rong kinh, băng huyết kéo dài gần một năm.
Kết quả xét nghiệm máu cho thấy, chỉ số hemoglobin của bệnh nhân nằm ở mức 64, thấp hơn 50% cho số với chỉ số an toàn là 120, chẩn đoán thiếu máu nặng. Chị Oanh được chỉ định phẫu thuật bóc tách khối u nhằm chấm dứt tình trạng băng kinh, khôi phục lại sức khỏe, giữ lại tử cung, duy trì khả năng sinh sản.
Êkíp bác sĩ BVĐK Tâm Anh Hà Nội phẫu thuật bóc tách khối u xơ tử cung. Ảnh: BVĐK Tâm Anh
Êkíp phẫu thuật lựa chọn phương pháp mổ mở ổ bụng để bóc tách khối u với vết rạch dọc theo tử cung để bộc lộ khối u xơ, dễ dàng bóc tách khối u ra khỏi tử cung. Khối u được bóc tách đưa ra ngoài, nặng 621 gram, có dấu hiệu hoại tử. Bác sĩ chỉ định thực hiện sinh thiết lạnh (sinh thiết tức thì) khẳng định khối u lành tính.
Chị Oanh thực hiện phẫu thuật trong thời gian ngắn, hồi sức, truyền máu trước và trong ca mổ. Chị nhanh chóng hồi phục thể lực, xuất hiện sau 4 ngày.
U xơ tử cung lành tính vẫn nguy hiểm
Theo bác sĩ Hinh, u xơ tử cung có bản chất lành tính khiến nhiều người chủ quan không chú ý theo dõi, kiểm tra thường xuyên, ngay cả khi biết bản thân mắc bệnh. Chuyên gia cho biết, u xơ vẫn có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe.
Một số biến chứng phổ biến do u xơ tử cung gây ra bao gồm: kinh nguyệt nhiều, chu kỳ kéo dài, rối loạn kinh nguyệt, ra nhiều khí hư, đau bụng kinh dữ dội, hiếm muộn... Nhiều người bệnh mắc u xơ tử cung gặp phải tình trạng đau vùng bụng dưới dai dẳng không rõ nguyên nhân. Vùng bụng dưới phồng căng to gây cảm giác nặng nề, xuất hiện triệu chứng chèn ép hạ vị như táo bón, bí tiểu, tiểu nhiều lần...
Đặc biệt, biến chứng điển hình của u xơ tử cung là ảnh hưởng chức năng sinh sản. Đây là một trong những nguyên nhân cản trở việc mang thai, giảm khả năng thụ thai, gây vô sinh. Trong thời kỳ mang thai, chúng có thể gây ra sảy thai tự nhiên tái phát, những cơn co thắt sớm, hoặc ngôi thai bất thường. Khối u có thể gây ra một số vấn đề xấu như thai chậm tăng trưởng, gia tăng nguy cơ rau bong non, sinh non.
U xơ tử cung ảnh hưởng lớn tới chất lượng sống của phụ nữ, đặc biệt là chức năng sinh sản. Ảnh: Shutterstock
U xơ tử cung có thể dễ dàng phát hiện khi thăm khám lâm sàng bằng phương pháp siêu âm, can thiệp bằng phương pháp nội khoa hoặc ngoại khoa tùy theo tình trạng. Bởi vậy, các chuyên gia y tế khuyến cáo, phụ nữ nên theo dõi sức khỏe, kiểm tra định kỳ nhằm phát hiện, can thiệp kịp thời những biến chứng do bệnh gây ra.
U xơ tử cung thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Ước tính có khoảng 70% nữ giới từng mắc u xơ tử cung trong cuộc đời. Tỷ lệ nữ giới trên 30 tuổi mắc u xơ tử cung là 50%, phụ nữ từ 50 tuổi trở lên có tỷ lệ mắc bệnh là 70%.
*Tên nhân vật đã được thay đổi*
Khuê Lâm