Từ 1/7/2024, cải cách tiền lương đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được quy định thế nào?
6:00 | 27/05/2024
Theo chính sách cải cách tiền lương, thời điểm 1/7/2024 khi tiền lương của công chức, viên chức tăng lên thì tiền lương đóng BHXH bắt buộc với đối tượng này cũng tăng theo.
Tiền lương đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc với cán bộ, công chức, viên chức
(1) Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).
Hiện hành, tiền lương này tính trên mức lương cơ sở (Mức lương cơ sở từ 1/1 – 30/6/2024 là 1.800.000 đồng/tháng).
Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc quy định tại mục (1) này bao gồm cả hệ số chênh lệch bảo lưu theo quy định của pháp luật về tiền lương.
(2) Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn thì tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương cơ sở (Mức lương cơ sở từ 1/1 – 30/6/2024 là 1.800.000 đồng/tháng).
Tuy nhiên, từ ngày 1/7/2024 khi thực hiện cải cách tiền lương thì sẽ bãi bỏ lương cơ sở.
Dự kiến tiền lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tăng khoảng 30% (tính cả lương cơ bản và phụ cấp). Từ năm 2025, mức lương này sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm bình quân hàng năm khoảng 7%/năm.
Như vậy, thời điểm 1/7/2024 khi tiền lương của công chức, viên chức tăng lên thì tiền lương đóng BHXH bắt buộc với cán bộ, công chức, viên chức cũng tăng lên.
Từ 1/7/2024 khi tiền lương của công chức, viên chức tăng lên thì tiền lương đóng BHXH bắt buộc với cán bộ, công chức, viên chức cũng tăng lên.
Tiền lương đóng bảo hiểm xã hội do doanh nghiệp quyết định
Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động, bao gồm:
- Mức lương ghi trong hợp đồng lao động.
- Phụ cấp lương: phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự.
- Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương thực hiện từ 01/01/2018.
Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không bao gồm:
Tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động.
Tiền lương tháng làm căn cứ đóng đối với người quản lý doanh nghiệp có hưởng tiền lương là tiền lương do doanh nghiệp quyết định; đối với người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương là tiền lương do đại hội thành viên quyết định, trừ viên chức quản lý chuyên trách trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu.
Mức tiền lương tháng đóng BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng đối với người lao động làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường.
Mức đóng bảo hiểm xã hội của công chức, viên chức trước khi thực hiện cải cách tiền lương
Mức đóng BHXH của công chức, viên chức = Tỷ lệ đóng BHXH X Tiền lương tháng tính đóng BHXH
Về tỷ lệ đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTNLĐ, BNN, bảo hiểm thất nghiệp:
Trong năm 2023, không có sự thay đổi về tỷ lệ đóng BHXH bắt buộc, BHYT, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và bảo hiểm thất nghiệp.
Cụ thể: Cán bộ, công chức đóng 8% vào quỹ hưu trí tử tuất; 1,5% vào quỹ BHYT.
Còn viên chức đóng 8% vào quỹ hưu trí tử tuất; 1,5% vào quỹ BHYT và 1% tiền bảo hiểm thất nghiệp.
Như vậy, tổng cộng tỷ lệ đóng BHXH của cán bộ, công chức là 9,5% còn viên chức là 10,5%.
Về tiền lương tháng đóng BHXH của cán bộ, công chức, viên chức
Cán bộ, công chức là những người hưởng chế độ tiền lương do Nhà nước quy định nên theo Khoản 1 Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH hằng tháng của cán bộ được xác định như sau:
Tiền lương tháng đóng BHXH của cán bộ, công chức = Tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm + Các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).
Trong đó:
Tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm = Hệ số lương x Mức lương cơ sở;
Tiền lương tháng đóng BHXH tối đa của cán bộ, công chức = 20 x Mức lương cơ sở;
Người nào có thu nhập tính đóng BHXH cao hơn 20 lần mức lương cơ sở thì cũng chỉ tính đóng BHXH theo mức lương tối đa là 20 lần mức lương cơ sở.
Từ ngày 01/7/2023, tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng theo Nghị định 24/2023/NĐ-CP nên tiền lương tháng tính đóng BHXH của cán bộ, công chức, viên chức cũng sẽ tăng theo.
Mức đóng BHXH của người hoạt động không chuyên trách cấp xã
Theo quy định, hằng tháng, cán bộ không chuyên trách ở cấp xã phải đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế với tổng tỷ lệ 9,5%. Cụ thể mức đóng của từng loại bảo hiểm này được quy định như sau:
Theo Điểm i Khoản 2 Điều 2 Luật BHXH 2014, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, phường, thị trấn thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Do đó, căn cứ Khoản 1 Điều 85 Luật BHXH, hằng tháng, cán bộ không chuyên trách cấp xã sẽ phải đóng bảo hiểm xã hội với mức sau:
Mức đóng BHXH = 8% x Mức lương cơ sở.