Sáng 12/5 tại tỉnh Quảng Ninh, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Quảng Ninh phối hợp tổ chức Hội thảo Văn hóa 2024 chủ đề “Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao”.
Quang cảnh Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã luôn dành sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nhiều chủ trương, chính sách, ưu tiên các nguồn lực để xây dựng, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao.
Bên cạnh những thành tựu, kết quả đạt được, việc phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập, cần được nghiên cứu, tháo gỡ.
Xuất phát từ vị trí, vai trò quan trọng và thực tiễn hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã phối hợp với các cơ quan tổ chức Hội thảo Văn hóa năm 2024. Đây là diễn đàn tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có liên quan tới hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu khai mạc Hội thảo.
Ông Nguyễn Đắc Vinh nêu rõ, hội thảo sẽ tập trung rà soát, phân tích, đánh giá tình hình triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao; công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao;
Việc bố trí, huy động các nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao; nghiên cứu các kinh nghiệm quốc tế. Trên cơ sở đó, Hội thảo sẽ đề xuất các giải pháp để hoàn thiện thể chế, chính sách, huy động tối đa các nguồn lực phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao;
Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế, phục vụ nhu cầu của đông đảo nhân dân, đáp ứng yêu cầu về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Đặc biệt, Hội thảo sẽ cung cấp và làm rõ hơn các căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn, làm cơ sở để Quốc hội thảo luận, cho ý kiến đối với chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV sắp tới.
Cần cơ chế, chính sách rõ ràng hơn
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng cho biết, Hội thảo Văn hóa 2024 là một trong chuỗi các hoạt động thiết thực để triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về khơi dậy, phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam;
Tinh thần của Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 về chấn hưng văn hóa dân tộc; đồng thời, đây cũng là Hội thảo về văn hóa thứ 2 do Quốc hội chủ trì.
Ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, thiết chế văn hóa, thể thao có một vị trí đặc biệt quan trọng trong xây dựng, phát triển nền văn hóa dân tộc. Đây là nơi diễn ra các hoạt động sáng tạo, phổ biến, thực hành và hưởng thụ các giá trị văn hóa; nơi rèn luyện, nâng cao năng lực thẩm mỹ và thể lực của các tầng lớp nhân dân, giúp con người Việt Nam khỏe về thể chất, đẹp về tinh thần, phát triển toàn diện về đức - trí - thể - mỹ.
Ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu đề dẫn Hội thảo.
Đồng thời, đây cũng là địa chỉ quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp và lan tỏa các giá trị văn hóa mới của thời đại, của dân tộc. Thiết chế văn hóa, thể thao còn là không gian thúc đẩy các hoạt động giao lưu văn hóa; lan tỏa sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
Thiết chế văn hóa, thể thao cũng là nơi diễn ra các mắt khâu của ngành công nghiệp văn hóa, từ ươm mầm cho những ý tưởng sáng tạo đến sản xuất, phổ biến, tiêu dùng các sản phẩm này. Thiết chế văn hóa, thể thao không chỉ là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, mà còn có thể là nơi tổ chức các hoạt động chính trị, xã hội. Hơn nữa, thiết chế văn hóa, thể thao còn góp phần kiến tạo nên bộ mặt cảnh quan của các địa phương.
Tại các đô thị, một số thiết chế văn hóa, thể thao đang trở thành điểm nhấn, góp phần kiến tạo bản sắc của các không gian kiến trúc đô thị.
Còn ở nông thôn, các thiết chế văn hóa, thể thao cũng góp phần tạo nên diện mạo của nông thôn mới. Có thể nói, thiết chế văn hóa, thể thao là bộ phận không thể thiếu trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh hiện nay.
Để thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển văn hóa, con người, phát huy những thành quả đã có, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, khai thông những điểm nghẽn trong chính sách, nguồn lực phát triển thiết chế văn hóa, thể thao, ông Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các đại biểu tham dự Hội thảo tập trung thảo luận một số nội dung về:
Hoàn thiện các văn bản pháp luật về thiết chế văn hóa, thể thao; bổ sung các chỉ tiêu cụ thể về phát triển thiết chế văn hóa, thể thao vào nội dung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; cần có các chính sách quản lý, sử dụng, khai thác hiệu quả hệ thống thiết chế này.
Đồng thời, cần có cơ chế, chính sách rõ ràng hơn, hấp dẫn hơn để khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội, các nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư cho các thiết chế văn hóa, thể thao; thực hiện quy hoạch, tuyển dụng công chức, viên chức văn hóa, thể thao đáp ứng yêu cầu và quy định về tổ chức hoạt động của thiết chế văn hóa, thể thao các cấp.