Mùa thu đã đến Scandinavia, đồng nghĩa với việc mùa giải Nobel đã đến. Đầu tháng 10 là lúc các Ủy ban Nobel họp mặt ở Stockholm (Thuỵ Điển) và Oslo (Na Uy) để công bố những người đoạt giải hàng năm.
Đầu tiên, như thường lệ, Giải Nobel Y Sinh đã được trao cho hai nhà khoa học Katalin Kariko và Drew Weissman vì những khám phá phát triển vaccine mRNA chống lại Covid-19, ngày 2/10.
Ngày 3/10, 3 nhà khoa học Pierre Agostini, Ference Krausz và Anne L’ Huillier đã giành được giải Nobel Vật lý cho cho các phương pháp thực nghiệm tạo ra xung ánh sáng atto giây phục vụ nghiên cứu động lực học điện tử trong vật chất.
Ngày 4/10, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển công bố chủ nhân giải Nobel Hóa học năm 2023 là 3 nhà khoa học người Mỹ có công khám phá ra công nghệ chấm lượng tử: Mougi Bawendi, Louis Brus và Alexei Ekimov.
Các giải Nobel Văn học, Hòa bình và Kinh tế sẽ được trao lần lượt trong tuần.
Người sáng lập giải NobelAlfred Nobel. Ảnh: AP.
Ý tưởng mạnh mẽ
Giải Nobel được sáng lập bởi Alfred Nobel, một doanh nhân và nhà hóa học người Thụy Điển ở thế kỷ 19. Ông nắm giữ hơn 300 bằng sáng chế và trở nên nổi tiếng trước khi giải Nobel ra đời với việc phát minh ra thuốc nổ bằng cách trộn nitroglycerine với một hợp chất làm cho chất nổ ổn định hơn.
Thuốc nổ nhanh chóng trở nên phổ biến trong xây dựng và khai thác mỏ cũng như trong ngành công nghiệp vũ khí. Nó làm cho Nobel trở thành một người rất giàu có. Có lẽ điều đó cũng khiến ông suy nghĩ về di sản của mình, vì vậy, về cuối đời, ông quyết định sử dụng khối tài sản khổng lồ của mình để tài trợ cho các giải thưởng hàng năm “cho những người đã mang lại lợi ích lớn nhất cho nhân loại trong năm trước”.
Giải Nobel đầu tiên được trao vào năm 1901, 5 năm sau khi nhà hoá học Nobel qua đời. Năm 1968, ngân hàng Trung ương Thụy Điển đã thành lập giải Nobel thứ sáu: giải Nobel Kinh tế. Mặc dù những người theo chủ nghĩa thuần túy Nobel nhấn mạnh rằng, giải giải Nobel Kinh tế về mặt kỹ thuật không phải là giải Nobel, nhưng nó luôn được trao cùng với các giải khác.
Vì những lý do không rõ ràng, ông Nobel đã quyết định giải Noel Hòa bình nên được trao ở Na Uy và các giải thưởng khác ở Thụy Điển.
Cho đến ngày nay, Giải Nobel Hòa bình hoàn toàn là việc của Na Uy, với những người đoạt giải được một ủy ban Na Uy lựa chọn và công bố. Giải Nobel Hòa bình thậm chí còn có buổi lễ riêng tại thủ đô Oslo của Na Uy vào ngày 10/12 hàng năm (ngày mất của Nobel) trong khi các giải thưởng khác được trao tại Stockholm.
Ủy ban Nobel họp ởStockholm, Thuỵ Điển. Ảnh: AP.
Giải thưởng và vinh quang
Một lý do khiến giải Nobel nổi tiếng là chúng đi kèm với một lượng tiền mặt lớn. Quỹ Nobel, cơ quan quản lý giải thưởng, đã tăng số tiền thưởng lên 10% trong năm nay lên 11 triệu kronor (khoảng 1 triệu USD). Ngoài tiền, những người chiến thắng còn nhận được huy chương Vàng 18 cara và bằng chứng nhận khi họ nhận giải tại lễ trao giải vào tháng 12.
Trong lịch sử, đại đa số những người đoạt giải Nobel đều là đàn ông da trắng. Mặc dù điều đó đã bắt đầu thay đổi nhưng vẫn có rất ít sự đa dạng giữa những người đoạt giải Nobel, đặc biệt là trong các hạng mục khoa học.
Với thông báo hôm 2/10, cho đến nay, có 61 phụ nữ đã đoạt giải Nobel, trong đó có 26 người thuộc hạng mục khoa học. Chỉ có 4 phụ nữ đoạt giải Nobel Vật lý và chỉ 2 người đoạt giải Nobel Kinh tế.
Ảnh: AP.
Trong những năm đầu của Giải thưởng Nobel, sự thiếu đa dạng giữa những người đoạt giải có thể được giải thích là do sự thiếu đa dạng giữa các nhà khoa học nói chung. Nhưng ngày nay, các nhà phê bình cho rằng, ban giám khảo cần làm tốt hơn trong việc nêu bật những khám phá của phụ nữ và các nhà khoa học bên ngoài châu Âu và Bắc Mỹ.
Các ủy ban giải thưởng cho biết, quyết định của họ dựa trên giá trị khoa học chứ không phải giới tính, quốc tịch hay chủng tộc. Tuy nhiên, họ không bỏ ngoài tai những lời chỉ trích. 5 năm trước, người đứng đầu Viện Khoa học Hoàng gia Thụy Điển cho biết, họ đã bắt đầu yêu cầu các cơ quan đề cử đảm bảo rằng họ không bỏ qua “phụ nữ hoặc những người thuộc sắc tộc hoặc quốc tịch khác trong các đề cử của mình”.
Chủ đề: giải Nobel Na Uy Stockholm thuỵ điển Alfred Nobel