Leo thang đối địch

18/10/2024 12:58

GD&TĐ -Kể từ khá nhiều năm trở lại đây, chưa khi nào căng thẳng và đối địch lại leo thang đến mức độ như hiện tại giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.

Leo thang đối địch

Minh họa/INT

Sau những cáo buộc rằng quân đội Hàn Quốc ba lần dùng thiết bị bay không người lái xâm nhập vào không phận để rải truyền đơn, phía Triều Tiên đã cho nổ tung hai tuyến đường sắt nối hai miền trên bán đảo. Hàn Quốc phản ứng bằng cách nổ súng cảnh báo ở khu vực giáp biên giới với Triều Tiên. Vậy là mìn, súng lại nổ vang cho dù không phải nhằm trực tiếp vào nhau.

Hai tuyến đường sắt và hai tuyến đường bộ liên Triều được coi là biểu tượng của tiến trình hoà dịu và xích lại gần nhau giữa hai miền trên bán đảo Triều Tiên trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 cho dù chúng trên thực tế không còn được sử dụng sau khi dùng được vài lần trong thời gian 14 tháng hồi những năm 2007 - 2008.

Có thể thấy được qua đó dụng ý của Triều Tiên không chỉ có đóng cửa hoàn toàn và tăng cường phòng thủ toàn tuyến biên giới chung này mà còn nhằm để khẳng định sự điều chỉnh chính sách quan trọng nhất đối với Hàn Quốc là không còn theo đuổi mục tiêu tái thống nhất bán đảo, coi Hàn Quốc là kẻ thù chính, lại còn ở thứ hạng trên cả Mỹ.

Cứ theo lô gic của tư duy thì cách ứng phó của Triều Tiên chỉ có thể là tăng cường phòng thủ biên giới trên đất liền và trên biển, tăng cường tiềm lực quân sự, quốc phòng bao gồm cả việc thúc đẩy mạnh mẽ chương trình hạt nhân - tên lửa, thường xuyên cảnh báo, răn đe các địch thủ, luôn chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản bị các địch thủ tấn công quân sự vào bất cứ thời điểm nào.

Sơ bộ có thể thấy được ba nguyên cớ khiến phía Triều Tiên quyết định những điều chỉnh chính sách rất cơ bản đến vậy đối với Hàn Quốc.

Thứ nhất là sự thay đổi tổng thống ở Hàn Quốc. Tân Tổng thống Yoon Suk-yeol theo đuổi quan điểm chính sách cứng rắn hơn hẳn đối với Triều Tiên so với người tiền nhiệm, khiến phía Triều Tiên không thể không nhận ra rằng không thể tiếp tục quan điểm chính sách đối với Hàn Quốc như thời ông Moon Jae-in để xử lý quan hệ song phương.

Thứ hai, trong thời gian vừa qua, Hàn Quốc đã thúc đẩy rất mạnh mẽ, thực chất mối quan hệ đồng minh quân sự chiến lược song phương với Mỹ và ba bên với Mỹ, Nhật Bản - tất cả đều thuộc diện bị Triều Tiên nhìn nhận là thù địch.

Nguyên cớ thứ ba là hồi tháng 8 vừa qua, ông Yoon Suk-yeol đưa ra chiến lược mới nhằm tái thống nhất hai miền trên bán đảo Triều Tiên với mô hình và lộ trình, điều kiện và tiêu chí mà trong thực chất sâu xa chẳng khác gì huỷ hoại chính thể hiện tại ở Triều Tiên.

Hai miền trên bán đảo Triều Tiên leo thang căng thẳng và đối địch bởi mức độ tin cậy lẫn nhau vốn đã gây dựng nên được ở mức độ nhất định nay không còn nữa nhường chỗ cho nghi ngại gia tăng; bởi đối phó lẫn nhau đã lấn át hợp tác và cũng còn bởi cả hai đều có chỗ dựa là đồng minh bên ngoài: Mỹ và Nhật Bản đối với Hàn Quốc trong khi Nga đối với Triều Tiên.

Hồi tháng 6 vừa qua, Nga và Triều Tiên đã ký Hiệp ước về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, trong đó có nội dung bên này tương trợ quân sự cho bên kia trong trường hợp bị ai đó khác tấn công vũ trang. Hai miền leo thang căng thẳng và đối địch như thế khiến cho việc giảm căng thẳng và đi vào hoà giải thêm rất khó khăn, trước mắt khó có thể khả thi.

Tin liên quan Cuộc đua phóng vệ tinh do thám 2024 trên bán đảo Triều Tiên Moscow cảnh báo nguy cơ chiến tranh hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên

Theo Nguồn giaoducthoidai.vn

Leo thang đối địch - Tin Tức