Hội KHHGĐ tỉnh Nam Định dẫn đầu về mô hình liên kết phòng khám

02/07/2024 10:00

Để có được những kinh nghiệm và thành tựu đáng khích lệ như hiện nay, Hội KHHGĐ Việt Nam luôn có sự hỗ trợ, đồng hành của Liên đoàn KHHGĐ Quốc tế (IPPF). Trong mỗi thời kỳ cụ thể, IPPF luôn định hướng cho Hội về chiến lược hành động cũng như xác định mục tiêu cho từng giai đoạn 5 năm.

Kế hoạch chiến lược giai đoạn 2023 - 2028 của tổ chức Hội trên cơ sở các định hướng ưu tiên của IPPF và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam đến năm 2030.

Kế hoạch chiến lược này xoay quanh 4 trụ cột: Trung tâm chăm sóc là con người; Chuyển động chương trình về tình dục; Đoàn kết và thay đổi; Phát triển VINAFPA và các tổ chức Hội thành viên.

Hội KHHGĐ tỉnh Nam Định dẫn đầu về mô hình liên kết phòng khám

Truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ SKSS/KHHGĐ tại huyện Giao Thủy

Để thực hiện thành công các mục tiêu nêu trên, Hội cần tập trung giải quyết các vấn đề như củng cố tổ chức và nâng cao năng lực hoạt động của tổ chức Hội, làm tốt công tác truyền thông, tư vấn, nâng cao dịch vụ SKSS/ KHHGĐ, tích cực công tác vận động, sử dụng có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ đầu tư cho hoạt động các cấp, mở rộng quan hệ hợp tác Quốc tế.

Đối với Hội KHHGĐ tỉnh Nam Định, ngoài mục tiêu hoạt động thường xuyên, năm 2024, tỉnh Hội tập trung cao cho công tác truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ SKSS/SKTD, KHHGĐ tại cộng đồng.

Tỉnh hội đặc biệt ưu tiên cho vùng xa, vùng ven biển, các công ty đông nữ khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ SKSS, nơi có tỷ suất sinh cao.

Theo bác sĩ Trần Thị Vinh, chủ tịch Hội KHHGĐ tỉnh Nam Định cho biết, Nam Định là địa phương có tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh cao so với cả nước và không ổn định. 6 tháng đầu năm 2023, tỷ số này là 115,3 bé trai/100 bé gái (tỷ lệ sinh tự nhiên là 104-106 bé trai/100 bé gái sinh ra còn sống).

“Do tư tưởng thích con trai, quan niệm “Trọng nam- Khinh nữ” vẫn còn cao, nhất là 3 huyện ven biển chiếm 36 % dân số với nghề nghiệp chính là đánh bắt, nuôi trồng thủy, hải sản và làm muối rất cần có con trai để làm việc nên dẫn đến tình trạng này” – Bác sĩ Vinh cho hay.

Hội KHHGĐ tỉnh Nam Định dẫn đầu về mô hình liên kết phòng khám

Tỉnh Hội Nam Định thành công nhất với mô hình liên kết phòng khám

Mất cân bằng giới tính khi sinh có chiều hướng gia tăng sẽ tác động tiêu cực đến cơ cấu dân số, cấu trúc gia đình, gây tình trạng “nam thừa, nữ thiếu” trong tương lai, tỷ lệ nam giới đến tuổi trưởng thành phải đối mặt với khó khăn khi tìm kiếm bạn đời sẽ tăng cao. Để hạn chế tình trạng này, khi truyền thông, tỉnh Hội đã tuyên truyền rõ ý nghĩa, mục đích của công tác dân số, phát triển chăm sóc sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống cho mọi người dân. Chị em được truyền thông tư vấn hiểu được các vấn đề để tự mình chăm sóc sức khỏe sinh sản như khám theo dõi thai sản ít nhất 5 lần (siêu âm, đo huyết áp, xét nghiệm nước tiểu,…).

Bên cạnh đó, đảm bảo mẹ khỏe con khỏe và nuôi con bằng sữa mẹ ít nhất đến 6 tháng tuổi, lưu ý dùng biện pháp tránh thai sau sinh sản. Đối với chị em tuổi sinh đẻ kể cả người lớn tuổi cần đến khám phụ khoa định kỳ từ 6 tháng – 1 năm.

Sau buổi truyền thông, tỉnh Hội sẽ tổ chức cung cấp dịch vụ SKSS. Trong tháng 5, Hội KHHGĐ tỉnh Nam Định đã tổ chức lưu động xuống 4 xã Huyện Giao Thủy vùng ven biển và 02 công ty đông nữ.

Đội lưu động của tỉnh Hội đã mang đủ máy siêu âm, máy nội soi cổ tử cung, kính hiển vi xét nghiệm vi sinh và dụng cụ khám, các PTTT, cấp thuốc tránh thai, bao cao su,…

Bác sĩ Vinh nói: “Các xã đều có NHS, khám thai quản lý thai sản và khám phụ khoa nhưng thiếu điều kiện chăm sóc nên qua đợt lưu động này sự kết nối giữa y tế xã với Hội thuận lợi hơn, khách hàng có thể đến phòng khám Hội khám và điều trị tiếp”.

Hội KHHGĐ tỉnh Nam Định dẫn đầu về mô hình liên kết phòng khám

Kết quả truyền thông của Hội KHHGĐ tỉnh Nam Định đạt hiệu quả cao

Theo chủ tịch Hội KHHGĐ tỉnh Nam Định, kết quả lưu động tỉnh hội đạt được khá hiệu quả với 6 buổi truyền thông trực tiếp, 24 buổi phát thanh qua loa đài, 1.300 tờ rơi sách nhỏ được phát ra, khám phụ khoa cho 643 người với 2.768 lượt dịch vụ, phát 760 vỉ thuốc tránh thai, 1.728 bao cao su và thực hiện 155 ca đặt dụng cụ tử cung.

“Có được kết quả trên, tỉnh Hội đã phối kết hợp với Chi cục Dân số, trung tâm y tế Huyện, công đoàn và y tế công ty chuẩn bị chu đáo cho đợt chiến dịch. Sự kiện này được lãnh đạo địa phương hoan nghênh, đánh giá cao, khách hàng rất hài lòng do có sự nhiệt tình, chăm sóc chu đáo của y bác sỹ của tỉnh Hội” – Bác sĩ Vinh cho biết.

Ông Lê Đức Hoàng, giám đốc điều hành Hội KHHGĐ Việt Nam đánh giá, tỉnh Hội Nam Định là một trong những đơn vị dẫn đầu trong hệ thống Hội, là tỉnh Hội thành công nhất với mô hình liên kết phòng khám. Vì vậy tỉnh Hội và phòng khám Nam Định có điều kiện tốt để tiếp cận người dân vùng sâu, vùng xa, khó tiếp cận dịch vụ. Mô hình liên kết còn giúp tỉnh Hội có thế mạnh về đội ngũ y, bác sĩ và cán bộ cung cấp dịch vụ.

“Trung ương Hội luôn mong muôn cà hy vọng có thể nhân rộng mô hình liên kết của Nam Định đối với tất cả hệ thống phòng khám Hội trên cả nước” – ông Lê Đức Hoàng bày tỏ.

T. Linh

Theo Nguồn giadinhonline.vn

Hội KHHGĐ tỉnh Nam Định dẫn đầu về mô hình liên kết phòng khám - Tin Tức