Sáng 5/4, UBND Tp.Hà Nội tổ chức hội nghị “Đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố”.
Đây là sự kiện đầu tiên trong chuỗi 6 Hội nghị chuyên đề đối thoại, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội với mục tiêu thiết lập và duy trì kênh trao đổi thông tin kịp thời, thiết thực, hiệu quả giữa chính quyền Thành phố và cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô; đồng thời hỗ trợ và giải quyết những điểm nghẽn, những tồn tại hạn chế trong công tác quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đất đai,...
Toàn cảnh hội nghị.
Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, hội nghị hôm nay là cơ hội để chính quyền Thành phố và doanh nghiệp, nhà đầu tư trao đổi, cung cấp thông tin về những quy định, cơ chế, chính sách mới trong lĩnh vực đầu tư, phát triển khu, cụm công nghiệp. Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án phát triển khu, cụm công nghiệp. Đặc biệt là sẽ giải đáp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố…
Theo đó, Chủ tịch UBND Thành phố đề nghị hội nghị thảo luận, trao đổi tập trung vào 3 nhóm vấn đề: Nhóm các vấn đề liên quan đến công tác quy hoạch, cơ chế chính sách phát triển khu, cụm công nghiệp; Nhóm các vấn đề liên quan đến giải pháp phát triển hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường...; Nhóm vấn đề liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp, về lao động, phòng cháy chữa cháy, chính sách miễn giảm thuế, cải cách thủ tục hành chính...
“Với tinh thần cầu thị và lắng nghe, chính quyền Thành phố mong muốn sẽ nhận được nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân, các chuyên gia, nhà nghiên cứu chính sách,… để từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính quyền các cấp, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Thủ đô”, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh chia sẻ.
Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội nghị.
Chủ tịch UBND Thành phố cũng khẳng định chính quyền Thành phố cam kết sẽ luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Thủ đô; tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Báo cáo tại hội nghị, bà Trần Thị Phương Lan. - Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 10 khu công nghiệp (KCN) đã đi vào hoạt động với tổng diện tích sử dụng đất là 1.348ha, vốn đầu tư hạ tầng trong KCN 139 triệu USD và trên 6.000 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy diện tích đạt gần 100%. Năm 2023, các KCN đã thu hút được 10 dự án mới; 20 dự án mở rộng.
Lũy kế đến nay, các KCN đã thu hút được 709 dự án, trong đó có 300 dự án đầu tư nước ngoài vốn đăng ký gần 6,7 tỷ USD; 409 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký trên 26.000 tỷ đồng; có 70 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động phân bố tại 17 quận, huyện, thị xã, thu hút khoảng 3.864 chủ đầu tư doanh nghiệp thứ phát, cơ sở sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho 60.000 lao động, nộp ngân sách Nhà nước khoảng 1.100 tỷ đồng/năm. Hiện, đang triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật 44 cụm công nghiệp (CCN) và tổ chức thẩm định thành lập 25 CCN với diện tích 288ha.
Trong quá trình quản lý, đầu tư, phát triển và hoạt động của các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố có phát sinh các khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách phát triển công nghiệp và phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp (giữa Luật đầu tư, Luật đất đai và các Nghị định về quản lý, phát triển CCN); trong lĩnh vực đất đai (chuyển đổi đất lúa, giao đất, cho thuê đất, tính giá đất..); về giải phóng mặt bằng (tiến độ giải phóng mặt bằng chậm do ảnh hưởng giãn cách do dịch Covid-19, một số người dân gây khó khăn, di chuyển mồ mả...); về cấp phép xây dựng, phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; xác nhận ký quỹ; điều chỉnh tiến độ dự án nhiều lần, khó khăn về vốn; thiếu nguồn nhân lực có chất lượng cao...
Đề xuất tháo gỡ các vướng mắc, đại diện Sở Công thương Hà Nội kiến nghị Bộ Công thương sớm ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định số 32/2024/NĐ-CP ngày 15/3/2024 để Thành phố triển khai thành lập/mở rộng các cụm công nghiệp trên địa bàn.
Chính quyền Thành phố cam kết sẽ luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Thủ đô.
Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm đề xuất cơ quan có thẩm quyền quy định dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp phù hợp với nội dung báo cáo đầu tư thành lập, mở rộng cụm công nghiệp đã được phê duyệt không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định tại khoản 1 Điều 31 Nghị định số 32/2024/NĐ-CP và hướng dẫn thực hiện khi Nghị định có hiệu lực.
Đại diện Sở Công thương Hà Nội kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các quy định mới liên quan đến đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại Luật Đất đai năm 2024. Bộ Xây dựng hướng dẫn cụ thể điều kiện để được cấp Giấy phép xây dựng tại các cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố đảm bảo tính thống nhất.