Gia đình làm ăn thất bại khiến bà Cúc phải ra vỉa hè bán dạo mưu sinh. Thế nhưng mấy chục năm qua, ‘cô tiểu thư’ Sài thành một thời vẫn yêu đời, hạnh phúc với công việc bán cóc chín thu tiền triệu mỗi ngày.
“Tiểu thư” Sài thành
Chiều đầu tháng 7, những con đường nội đô TP.HCM sũng nước sau cơn mưa rào nặng hạt. Bên gốc cây ở vỉa hè đường Trương Định (Quận 3, TP.HCM), bà Trần Thị Kim Cúc (còn gọi là dì Ba, 67 tuổi) thu mình dưới chiếc ô cắm trên xe ba gác chất đầy trái cóc chín.
Bà Ba đã bán cóc chín tại góc đường này hàng chục năm qua. Thế nhưng không mấy ai biết bà từng là "tiểu thư" trong gia đình có truyền thống buôn bán tại Sài Gòn những năm 1990.
Sinh ra trong gia đình khá giả, những năm đầu đời, bà Ba không phải lao động nặng nhọc như chúng bạn. Thay vào đó, bà là nữ sinh của trường Lê Bảo Tịnh, một trường trung học tư thục đệ nhị cấp (tương đương trung học phổ thông hiện nay) tại Quận 3.
Bà Ba bán cóc chín trên đường Trương Định hơn 10 năm qua.
Bà Ba yêu thích việc học và nổi tiếng học giỏi. Nhưng vì nhiều lý do, năm 1974, cha mẹ bà quyết định đưa cả gia đình về quê ở tỉnh An Giang làm ăn.
Khi trở về An Giang, gia đình bà mang theo vốn liếng đã tích góp nhiều năm tại Sài Gòn. Cha mẹ bà hy vọng sẽ có được thành công mới tại quê nhà. Thật không may, việc làm ăn của các cụ thất bại.
Bà Ba kể: “Sau khi làm ăn thất bại, bố mẹ đưa chúng tôi trở lại Sài Gòn. Nhưng lúc này, gia đình chẳng còn gì nữa. Nhà cửa đã bán hết, chúng tôi đều phải nghỉ học giữa chừng.
Để mưu sinh, sau khi nghỉ học, chị em tôi tập tành buôn bán nhỏ. Tôi học cách nấu chè rồi gánh đi bán rong. Sau này, thấy nghề ấy cực quá, tôi chuyển sang buôn bán trái cây. Rồi mùa nào trái đó, tôi đẩy xe đi bán dạo khắp các ngả đường”.
Dẫu sớm phải giã từ cuộc sống tiểu thư nhưng ngày ấy, bà Ba vẫn trẻ đẹp, có sự quyến rũ của người phụ nữ học thức. Bà được nhiều người theo đuổi và sớm kết hôn. Chỉ tiếc, hạnh phúc ấy của bà không lâu bền.
25 tuổi, bà Ba và chồng ra tòa ly dị. Lý do đơn giản là cả hai đã hết duyên phận với nhau.
Thôi chồng, bà dẫn 2 con về nương nhờ bố mẹ, anh chị em trong gia đình. Những năm ấy, bà vừa nặng gánh mưu sinh vừa khóc cạn nước mắt tìm đứa con thất lạc từ lúc nhỏ.
Ngoài việc tự gọt, đóng hộp cóc chín, bà Ba còn tự chế biến các loại muối chấm.
“Tôi có 3 đứa con nhưng bị lạc mất một. Tôi thất lạc con từ lúc con còn nhỏ xíu. Từ đó đến nay, tôi làm mọi cách để tìm con nhưng không thấy. Bây giờ, con cũng hơn 40 tuổi rồi”, bà tâm sự.
Thế rồi xuân sắc của người đàn bà trôi theo những năm tháng bán dạo, rong ruổi tìm con. Thương người phụ nữ phải làm mẹ đơn thân khi còn quá trẻ, nhiều đàn ông tình nguyện đỡ đần, chấp nhận cùng bà xây dựng hạnh phúc mới.
Tuy nhiên, bà quyết ở vậy nuôi con vì sợ có hạnh phúc mới sẽ không thể chăm sóc, lo lắng cho bố mẹ và những người con của mình. Bàchấp nhận và vùi lấp nỗi cô đơn của mình bằng niềm vui được gần gũi bố mẹ, nghe thấy tiếng con cười mỗi khi đi bán hàng về.
Bán hàng rong thu tiền triệu mỗi ngày
Bà Ba nói mình không có duyên với buôn bán lớn dù xuất thân từ gia đình có truyền thống kinh doanh. Từ lúc buộc phải nghỉ học đến bây giờ, bà chỉ gắn bó với công việc bán chè, bán trái cây dạo.
Mỗi ngày, bà thức từ 4h sáng rồi đẩy chiếc xe chất đầy trái cây đi bán rong. Chỉ đến mùa cóc chín, bà mới ngồi cố định ở một góc đường Trương Định, nơi nổi tiếng với món cóc chín đóng hộp.
Cóc chín đóng hộp của bà Ba được lòng nhiều khách hàng...
Bà kể: “Tôi bán trái cây dạo đã mấy chục năm rồi nhưng chỉ mới bán cóc chín ở đây được khoảng chục năm thôi. Mà nghề bán cóc chín cũng mới rộ lên từ chục năm trước.
Trước đây, ít người bán cóc vì bán không chạy, khách hàng không mua vì khi ăn cóc phải gọt vỏ rất mất thời gian. Sau này, có người nghĩ ra cách gọt sẵn, bỏ hộp sạch sẽ thì loại trái cây này bán mới chạy”.
Vào mùa cóc chín, bà Ba không phải đẩy xe đi bán rong mà vẫn thu nhập hàng triệu đồng mỗi ngày. Trước thời điểm dịch bệnh, mỗi ngày bà Ba bán từ 50-100 kg cóc chín với giá 50.000 - 60.000 đồng/kg tuỳ loại.
Đặc biệt, các hộp cóc chín được cắt gọt sẵn của bà Ba rất được ưa chuộng. Mỗi ngày, bà bán từ 50-60 hộp cóc chín gọt sẵn với giá 50.000 đồng/hộp. Công việc này đem đến cho bà thu nhập trên 30 triệu đồng/tháng.
Bà Ba nói rằng, gọt cóc cũng phải biết cách. Nếu không, cóc bị chảy hết nước không còn giòn, ngọt nữa. Lúc gọt phải dùng dao thật sắc, lưỡi mỏng, cắt dứt khoát.
Mỗi ngày, bà bán được từ 30-50 hộp cóc đã gọt sẵn với giá 50.000 đồng/hộp.
Nếu dao cùn, lưỡi dày, phải dùng sức nhiều, đường dao đi không ngọt sẽ làm cóc dập, chảy hết nước. Đóng hộp cóc đã gọt cũng cần kỹ lưỡng. Hộp phải được đóng đủ trọng lượng nhưng không được quá đầy quá hoặc quá lỏng.
Bởi, đầy quá thì các miếng cóc đã gọt sẽ ép vào nhau khiến cóc mau chảy nước, dễ bị hỏng. Ngược lại, lỏng quá thì nhìn không đầy đủ, không thẩm mĩ...
Những ngày này, bà Ba vẫn cặm cụi ngồi một góc vỉa hè gọt cóc chín dù thu nhập đã giảm gần 1 nửa so với thời điểm trước đại dịch. Tuy vậy, người đàn bà vẫn yêu đời và tự hào mình có thể lao động, có thu nhập để tự lo cho bản thân.
Bà tâm sự: “Xưa tôi cũng có nhà có cửa ở Quận 3. Từ khi bố mẹ làm ăn thất bại, tôi phải đi ở trọ. Đến bây giờ, tôi vẫn ở trọ một mình. Tuy vậy, tôi vẫn vui và yêu đời.
Tôi không ở với các con vì các con còn có cuộc sống riêng của nó. Tôi luôn quan niệm, mình còn làm được thì cứ làm, không vướng bận, phiền hà con cái”.
Hà Nguyễn