Từ sự kiện Gạc Ma 35 năm trước, thêm một dịp để khẳng định tính đúng đắn, sáng tạo, độc lập tự chủ về đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa, khi thế giới đang luôn biến đổi khó lường.
Khi nhắc đến Gạc Ma, chúng ta cần thấu hiểu về kiến thức và nhận thức đúng đắn về sự kiện này ở mấy điểm sau.
Không thể gọi là Hải chiến
Thứ nhất, trước khi diễn ra sự kiện thảm sát Gạc Ma ngày 14/3/1988, Trung Quốc đã có nhiều hành động xâm nhập, khiêu khích quân sự, vi phạm chủ quyền tại các bãi đá ngầm Chữ Thập, Châu Viên, một số bãi đá ngầm khác ở khu vực đảo Sinh Tồn trong quần đảo Trường Sa.
Không phải ngẫu nhiên mà trước khi quyết định đánh chiếm Gạc Ma vào tháng 3/1988, thì vào tháng 7/1987, Trung Quốc đã thành lập tỉnh Hải Nam (tỉnh thứ 36 của Trung Quốc) bao gồm cả 2 khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Mô hình con tàu số hiệu là HQ 604, cùng danh sách 64 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh bảo vệ đảo Gạc Ma - quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Hồ Giáp
Không phải ngẫu nhiên mà những hành động gây căng thẳng và nguy hiểm nói trên của Trung Quốc diễn ra vào thời điểm đầu năm 1988, trong khi xu thế đối thoại thay cho đối đầu đang phát triển mạnh mẽ ở Đông Nam Á.
Việc cưỡng chiếm trái phép đảo Gạc Ma một lần nữa cho thấy, Trung Quốc luôn tận dụng cơ hội để hiện thực hóa tham vọng của họ ở Biển Đông.
Việt Nam đã ra các tuyên bố, tuyên cáo ngoại giao, các bài báo xã luận khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, yêu cầu Trung Quốc phải chấm dứt ngay mọi hành động khiêu khích.
Thứ hai, lịch sử cần phải minh định và tái khẳng định bản chất của sự kiện không phải là một trận “Hải chiến”. Đó là một cuộc tấn công tàn bạo của hải quân Trung Quốc với một đơn vị bộ đội công binh của Hải quân Việt Nam đang xây dựng đảo. Sau sự kiện này, Trung Quốc đã chiếm đóng trái phép hòn đảo bất chấp sự phản ứng của dư luận thế giới và pháp lý quốc tế. Trung Quốc muốn chọn Gạc Ma làm một “pháo đài” giữa Biển Đông, để lấn chiếm vùng biển này. Đó là hành động nằm trong âm mưu chiến lược, có toan tính và sự chuẩn bị lâu dài.
Thứ ba, sau trận chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988, 64 cán bộ chiến sĩ hải quân Việt Nam anh dũng hy sinh, 3 tàu Hải quân HQ-505, HQ-604, HQ-605 bị bắn chìm, 9 chiến sĩ bị bắt giữ. Đến ngày 2/9/1991, 9 chiến sĩ bị bắt giữ mới được phía Trung Quốc trao trả về Việt Nam qua cửa khẩu Hữu Nghị ở Lạng Sơn.
35 năm qua, thân xác của các liệt sĩ đã hy sinh tại Gạc Ma vẫn còn nằm dưới biển sâu hoang lạnh, mọi nỗ lực tìm kiếm thi thể 64 liệt sĩ và xác của 3 con tàu bị bắn chìm vẫn trong vô vọng. Xét trong bối cảnh, điều kiện lịch sử, tương quan lực lượng và tính chất của sự kiện này, đó là một sự hy sinh anh dũng vì Tổ quốc.
Thứ tư, ngay trong ngày 14/3/1988, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã ra Tuyên bố về việc tàu Trung Quốc nổ súng vào tàu vận tải của Việt Nam ở vùng biển quần đảo Trường Sa, nêu rõ: “Sáng ngày 14/3/1988, các tàu chiến của Trung Quốc đang hoạt động trái phép ở vùng biển quần đảo Trường Sa, đã ngang nhiên nổ súng vào 2 tàu vận tải của Việt Nam đang hoạt động bình thường ở bãi đá ngầm Gạc Ma thuộc khu đảo Sinh Tồn. Tàu của ta buộc phải nổ súng để tự vệ”.
Ngày 15/3/1988, Bộ Ngoại giao Việt Nam tiếp tục gửi Công hàm phản đối Trung Quốc cho tàu chiến bắn vào tàu vận tải Việt Nam. Công hàm nêu rõ: “Bất chấp sự phản đối của nhân dân và Chính phủ Việt Nam, sự lo ngại sâu sắc của dư luận thế giới và các nước ven Biển Đông, đi ngược lại nguyện vọng chung sống hữu nghị của nhân dân 2 nước Việt - Trung, hành động một lần nữa chứng tỏ nhà cầm quyền Trung Quốc cố tình sử dụng vũ lực mưu toan mở rộng quy mô xung đột ở vùng biển quần đảo Trường Sa”.
Thứ năm, quan điểm hành xử của Việt Nam được đăng trên nhiều bài xã luận trên nhiều cơ quan ngôn luận chính thống của nhà nước Việt Nam, ngoài việc nêu những căn cứ lịch sử, cơ sở pháp lý, phản đối hành động bạo lực của Trung Quốc thì Việt Nam luôn thể hiện tinh thần thiện chí giải quyết vấn đề Trường Sa bằng đàm phán hòa bình, yêu cầu Trung Quốc sớm trao trả thủy thủ Việt Nam bị bắt.
Nhắc lại nỗi đau để rút ra bài học lịch sử
Sự kiện Gạc Ma đã lùi xa 35 năm, nay nhắc lại vẫn luôn vẹn nguyên tính thời sự. Sự hy sinh anh dũng của 64 chiến sĩ quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam ngày 14/3/1988 trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền ở Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa là một tráng ca bất tử và các anh đã làm nên một “Vòng tròn bất tử” giữa biển khơi.
Đầu tiên, xâu chuỗi nhiều sự kiện liên quan đến cách hành xử của Trung Quốc với Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa năm 1956, 1974 và đảo Gạc Ma của Trường Sa năm 1988, khẳng định một thực tế: Việc Trung Quốc dùng vũ lực để đánh chiếm Gạc Ma không chỉ đơn thuần là muốn sở hữu hòn đảo này. Đó là một hành động nằm trong âm mưu chiến lược độc chiếm Biển Đông, từng bước cụ thể hóa “Đường lưỡi bò” phi lý mà họ vẽ ra. Họ muốn dùng sức mạnh, dùng vũ lực để khống chế toàn bộ Biển Đông bao gồm tự do hàng hải, hàng không.
Thứ hai, chỉ có sự vững chắc về kinh tế mới là nhân tố tiên quyết bảo đảm sự bền vững và tự tin về an ninh quốc phòng trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Xét trong phạm vi hẹp, xưa nay trong lịch sử nhân loại, chân lý luôn thuộc về kẻ mạnh. Xét về góc độ lịch sử quan hệ quốc tế nhiều thế kỷ qua, các cường quốc luôn chi phối quan hệ quốc tế và trật tự thế giới. Ngược lại, các nước nhỏ và yếu thường sẽ hay bị lệ thuộc về kinh tế và gặp bất lợi khi giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp, xung đột quân sự. Vì vậy, muốn bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia dân tộc, ngoài đường lối, chính sách đối ngoại của Nhà nước và nhân dân, chúng ta phải độc lập, tự chủ về kinh tế, hoặc hạn chế đến mức thấp nhất sự lệ thuộc từ bên ngoài.
Thứ ba, từ sự kiện Gạc Ma của 35 năm trước, thêm một dịp để khẳng định tính đúng đắn, sáng tạo, độc lập tự chủ về đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa, trong bối cảnh thế giới đang luôn biến đổi đầy phức tạp và khó lường.
Hiện nay, tình trạng tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông ngày càng trở nên phức tạp. Dù trải qua nhiều khó khăn, thách thức nhưng Việt Nam luôn kiên quyết, kiên trì, liên tục đấu tranh khẳng định chủ quyền với quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa theo công pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Trong một thế giới đa chiều, đa cực chằng chéo và đan xen nhiều lợi ích ấy, một mệnh đề luôn đúng được tất cả các quốc gia thừa nhận từ sự sàng lọc của lịch sử là: Không có kẻ thù vĩnh viễn và bạn vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia dân tộc là vĩnh viễn.
Trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam nêu rõ các quan điểm nhất quán, trong đó các nhiệm vụ trọng yếu và thường xuyên như: Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển của Tổ quốc; nâng cao năng lực thực thi pháp luật của các lực lượng làm nhiệm vụ ở biên giới, biển, đảo; chủ động chuẩn bị về mọi mặt, sẵn sàng các phương án bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và giữ vững an ninh quốc gia.
35 năm qua (1988-2023), nhắc lại Gạc Ma để thấy đó là một nỗi đau mà trong cuộc sống và lịch sử, niềm vui có thể dần quên nhưng nỗi đau thì phải luôn nhớ. Và chúng ta vẫn luôn hy vọng đừng bao giờ để xảy ra một “Gạc Ma” nào nữa.
Trần Trung Hiếu
Chiến dịch CQ-88, quân kỳ đẫm máu và thế đứng Việt Nam“Vòng tròn bất tử” được các anh tay không tạo ra dưới lửa đạn đã được tái hiện tại Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma từ năm 2017 với tên gọi “Những người nằm lại phía chân trời”.
Tiếng nói quốc tế về sự kiện Gạc Ma ngay trong năm 1988Trước, trong và sau sự kiện Trung Quốc dùng vũ lực trái phép chiếm Gạc Ma ngày 14/3/1988, dư luận và báo chí thế giới đã nhanh chóng bày tỏ thái độ, lập trường về sự kiện này.
Bình luận