Danh ca Hương Lan: Mới sinh con đã phải đi làm thuê nhà hàng, ở nhờ một tiệm vàng vì không có nhà
Danh ca Hương Lan sinh năm 1956 trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Cô là con gái của nghệ sĩ cải lương Hữu Phước nên từ nhỏ đã được dạy hát và tiếp xúc với âm nhạc. Hương Lan bước lên sân khấu từ rất sớm, được báo giới ngày đó gọi là "thần đồng".
Sau này, Hương Lan nổi tiếng với dòng nhạc trữ tình quê hương, dân ca và Bolero. Cô sở hữu tiếng hát đẹp lộng lẫy và mùi mẫn cảm xúc, cùng kỹ thuật hát dân ca điêu luyện ít ai sánh kịp, được xem là đàn chị, người thầy của nhiều thế hệ ca sĩ.
Hương Lan và Quang Lê
Dù nổi tiếng muộn hơn và thuộc thế hệ đàn em, nhưng Hương Lan xứng đáng được xếp ở vị trí danh ca, cùng các bậc tiền bối như Thanh Thúy, Hà Thanh, Thanh Tuyền, Phương Dung, Hoàng Oanh.
Điều nổi bật ở Hương Lan là dù không được học hành trường lớp bài bản nhưng lại nổi tiếng có kỹ thuật cực kỳ điêu luyện, đứng đầu trong các nữ ca sĩ hát nhạc trữ tình quê hương miền Nam.
Hương Lan hát Bolero với tâm hồn của người con vọng cổ, cải lương, nên tạo ra một chất nhạc rất riêng, thấm đẫm màu sắc dân gian, dân ca. Với người nghe Bolero hiện đại, cách hát này có vẻ hơi cũ, nhưng lại là cách hát thuần Việt nhất.
Nói cách khác, Hương Lan đã biến Bolero từ dòng nhạc ngoại lai thành âm hưởng trọn vẹn của dân tộc.
Hương Lan sở hữu kỹ thuật hát điêu luyện cùng một lối sống chuẩn mực, lại luôn giúp đỡ, chỉ dẫn các đàn em khi mới vào nghề. Vì vậy, cô được nhiều ca sĩ kính trọng học hỏi. Có nhiều ca sĩ còn gọi Hương Lan là "mẹ" để thể hiện tình cảm ngưỡng mộ, trân quý của họ.
Ca sĩ Leon Vũ trong đã tâm sự rằng, chính Hương Lan là người dạy anh hát tiếng Việt cho hay và tròn vành, rõ chữ. Anh nói: “Để nói và hát tiếng Việt chuẩn như ngày hôm nay, tôi phải cám ơn má hai Hương Lan.
Chính má Hương Lan bắt tôi phải học tiếng Việt, tự cầm bản nhạc tiếng Việt lên hát sao cho đúng. Có lần tôi đi hát mà run tới mức hát không nổi, tiếng nọ xọ tiếng kia.
Hồi đó, tôi và má Hương Lan đi thu âm với nhau mà vào phòng thu từ 8 giờ tối, tới 12 giờ khuya vẫn chưa thu xong, mệt mỏi lắm. Tôi không thể thu được vì hát tiếng Việt không chuẩn. Má Hương Lan bảo tôi phải học hát lại tiếng Việt bằng được thì mới cho thu âm".
Hương Lan thời trẻ
Hương Lan cũng chính là người hướng dẫn Quang Lê cách hát Bolero cho đúng, có hồn để chiếm được tình cảm khán giả. Trên kênh Youtube chính thức của mình, nam ca sĩ chia sẻ với khán giả:
"Tôi may mắn được nhờ mẹ Hương Lan dạy hát cho nên mới được như ngày hôm nay. Thực sự, hồi đó tôi chưa được đi học hát ở ai bao giờ. Tôi chỉ nghĩ rằng, hát là cứ phải luyến mới hay. Tôi chưa được định hình phong cách, lối hát. Hồi xưa tôi vừa vào câu đầu đã luyến, mẹ Hương Lan còn bảo nghe sợ quá nhưng giờ ai nghe tôi hát sẽ thấy không còn luyến nhiều như thế nữa.
Như vậy, có thể thấy rằng, Hương Lan tuy đi sau nhiều danh ca lớn nhưng lại có được lối hát Bolero hoàn toàn riêng, kỹ thuật nhưng vẫn giữ được sự mộc mạc, chân phương, phát huy cảm xúc, âm sắc tự nhiên và biết tiết chế, xử lý tinh tế. Cách hát này được Quang Lê kế thừa một cách thành công.
Đến nghệ sĩ ưu tú Kim Tiểu Long, một người gạo cội trong sân khấu cải lương cũng gọi Hương Lan là mẹ một cách thiêng liêng, trân trong. Anh chia sẻ tại chương trình Nghệ thuật kim cổ: "Tôi coi mẹ Hương Lan là mẹ nuôi và luôn gọi mẹ là mẹ.
Nhưng không phải đơn giản mà tôi gọi một người khác là mẹ. Nhiều người cứ nói tôi dễ dãi khi gặp ai cũng gọi là mẹ”.
Từng không có nhà, phải ở nhờ tiệm vàng
Tuy nhiên, trước khi thành danh và có ảnh hưởng tới nhiều thế hệ đàn em, danh ca Hương Lan từng trải qua quãng thời gian khó khăn, chật vật khi đặt chân đến đất Pháp.
Cụ thể, thời gian đầu, Hương Lan cùng người chồng đầu và cha ruột sang Pháp định cư. Khi đó, cô đang mang thai người con trai thứ hai và hạ sinh khi mới đặt chân tới Pháp được vài tháng.
Dù mới sinh con, nhưng Hương Lan đã phải đi làm thuê ở nhà hàng kiếm sống và hỗ trợ chồng học tiếng Pháp cũng như học nghề. Cô từng cùng với nghệ sĩ cải lương Phượng Mai ở nhờ một tiệm vàng một một chị bạn vì không có chỗ ở, rồi sau đó mới đi tìm nhà.
Hương Lan kể rằng, cô và Phượng Mai phải ngủ tại phòng khách của người ta, tít trên tầng cao vút, sáng họ dậy làm việc là hai chị em cũng phải đi ra ngoài vì ở mãi thì cũng ngại.
Nhưng vì chưa có việc nên Hương Lan và Phượng Mai cứ phải lang thang ngoài đường cả ngày, giữa thời tiết giá rét. Gần chiều tối, hai chị em mới về nhà sửa soạn quần áo, trang điểm đi hát.
Hát xong, cả hai về lúc khuya muộn để ngủ rồi sáng sớm lại phải đi. Cô nói: “Nhà người ta bán vàng nên tôi ngại lắm, không muốn ở”.
Hai người tiếp tục đi tìm nhà thì gặp một người chị là gái vũ trường, chơi thân thiết khi còn ở Việt Nam. Người chị này thấy Hương Lan và Phượng Mai ngoài đường, lập tức tới hỏi han rồi rủ về ở chung.
Hai người về nhà người chị đó thì thấy nó khá nhỏ, chỉ có một phòng của chị và phòng của con trai cùng một phòng khách. Người chị đó nhường hai phòng ngủ cho Hương Lan và Phượng Mai, còn bản thân chị với con trai ngủ ngoài phòng khách. Đó là kỷ niệm mà nữ danh ca không bao giờ quên.
Ngày đó, Hương Lan đắt show hơn Phượng Mai nên tối nào cũng đi hát rồi dẫn Phượng Mai đi theo ngồi nghe. Thấy Phượng Mai ngồi dưới, Hương Lan liền giả bệnh để bảo chủ phòng trà cho Phượng Mai hát thay. Tình cảm giữa hai nữ nghệ sĩ vẫn tốt đẹp đến giờ.
Theo Phụ nữ mới