HĐND tỉnh Đắk Nông đã ban hành nghị quyết phê duyệt nội dung và quy định mức chi được ngân sách địa phương bảo đảm hoặc hỗ trợ một phần kinh phí thực hiện các dự án phát triển sản xuất giống chủ lực quốc gia và giống khác phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Hỗ trợ kinh phí thực hiện các dự án phát triển sản xuất giống
Sáng ngày 9/8, tại Hội nghị giao ban báo chí tháng 7/2024, ông Ngô Xuân Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Nông đã cung cấp thông tin về chính sách hỗ trợ kinh phí thực hiện các dự án phát triển sản xuất giống chủ lực quốc gia và giống khác phục vụ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Theo đó, vào ngày 24/7/2024, HĐND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Nghị quyết số 07/2024/NQ-HĐND phê duyệt nội dung và quy định mức chi được ngân sách địa phương bảo đảm hoặc hỗ trợ một phần kinh phí thực hiện các dự án phát triển sản xuất giống chủ lực quốc gia và giống khác phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đến năm 2030.
Toàn cảnh Hội nghị giao ban báo chí tháng 7/2024.
Nội dung của nghị quyết gồm có 6 Điều. Về đối tượng áp dụng gồm: Cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập ở địa phương có chức năng, nhiệm vụ quản lý, nghiên cứu, sản xuất giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi, giống thủy sản trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân nghiên cứu, sản xuất giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi, giống thủy sản trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Về nguyên tắc áp dụng, ngân sách địa phương hỗ trợ kinh phí để thực hiện thông qua các dự án hoặc dự toán cho các cơ quan, đơn vị được phân công, phân cấp nhiệm vụ thực hiện. Trong cùng một thời điểm, nếu có nhiều ngân sách hỗ trợ có hiệu lực thi hành trùng lặp với chính sách hỗ trợ quy định tại nghị quyết thì chỉ áp dụng một chính sách có mức hỗ trợ cao nhất.
Về nguồn kinh phí thực hiện, ngân sách địa phương bảo đảm kinh phí để thực hiện các nội dung quy định tại nghị quyết này theo phân cấp (riêng giai đoạn 2021-2025 do ngân sách tỉnh đảm bảo).
Dự kiến trong giai đoạn từ năm 2024-2025, bố trí khoảng 16 tỷ đồng từ ngân sách của tỉnh, các huyện, tương đương bình quân khoảng 2,3 tỷ đồng để thực hiện các dự án về nghiên cứu, sản xuất giống.
Người dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông tự ươm giống cây cà phê.
Về nội dung ngân sách địa phương đảm bảo hoặc hỗ trợ một phần kinh phí gồm 3 nội dung gồm: Ngân sách địa phương đảm bảo 100% kinh phí thực hiện các dự án phát triển sản xuất giống chủ lực quốc gia; ngân sách địa phương hỗ trợ một phần chi phí sản xuất giống thực hiện các dự án phát triển sản xuất giống chủ lực quốc gia; chủ lực địa phương. Trong đó, bao gồm các nội dung hỗ trợ như chọn lọc cây trội, chăm sóc vườn cây đầu dòng, đào tạo, tập huấn, kiểm soát hỗ trợ kinh phí liên quan quan đến vấn đề sản xuất giống.
Về đối tượng cây trồng tại chính sách này, lựa chọn thực hiện trên cây lúa, đây là cây chủ lực của quốc gia.
Bên cạnh đó, 4 loại cây chủ lực của quốc gia gồm cà phê, hồ tiêu, cao su, điều và một số cây ăn quả trọng điểm của tỉnh là cây trồng chủ lực quốc gia quy định tại Thông tư số 37 ngày 25/12/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Quyết định 2096 ngày 28/12/2018 của UBND tỉnh Đắk Nông về việc ban hành danh mục các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Đắk Nông, để lựa chọn 5 đối tượng cây ăn quả chủ lực, thế mạnh của địa phương tỉnh Đắk Nông gồm sầu riêng, bơ, mắc ca, chanh dây và xoài.
Ngoài ra, ngân sách địa phương hỗ trợ một phần kinh phí thực hiện các dự án phát triển sản xuất giống khác và các loại giống nêu trên.
Trong đó, giống khác là giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, lâm nghiệp không thuộc danh mục được quy định tại Thông tư 37 ngày 25/12/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Quyết định số 50 ngày 13/12 của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư số 22 ngày 29/12/2021 và Quyết định số 4961 ngày 17/11/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Theo đó, giống khác thực hiện nghị quyết này như: Cây trồng gồm các loại hoa, các loại củ, ngô, dược liệu, các loại cây đặc sản khác; vật nuôi gồm trâu, bò, dê, thỏ, dúi; thủy sản gồm cá rô phi, diêu hồng, cá chép, cá trắm cỏ...
Về tổ chức thực hiện nghị quyết, giao UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết theo đúng quy định pháp luật. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dự thảo kế hoạch của UBND tỉnh triển khai thực hiện nghị quyết, trong đó có hướng dẫn cụ thể về các nội dung của nghị quyết.
Vấn đề quản lý sản xuất kinh doanh giống khá phức tạp
Tại buổi giao ban báo chí, PV Người Đưa Tin đã đặt ra các câu hỏi gồm: Mục tiêu của việc thực hiện nghị quyết là gì? Để thực hiện nghị quyết một cách có hiệu quả, tỉnh Đắk Nông đã tiến hành kiểm tra, đánh giá chất lượng cây, con giống trên địa bàn như thế nào? Kết quả kiểm tra, đánh giá, có tình trạng cây, con giống kém chất lượng hay không?
Trả lời các câu hỏi trên, ông Ngô Xuân Đông cho hay, giống được xác định là yếu tố vô cùng quan trọng trong sản xuất nông nghiệp và phát triển lâm nghiệp, đặc biệt là giống cây công nghiệp dài ngày, cây ăn trái, cây lâm nghiệp, vật nuôi và thủy sản có giá trị kinh tế cao.
Theo đó, yếu tố đầu vào cực kỳ quan trọng, tác động trực tiếp đến kết quả, hiệu quả sản xuất của hộ sản xuất liên quan lĩnh vực nông nghiệp.
Ông Ngô Xuân Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Nông thông tin tại hội nghị giao ban báo chí.
Đối với tỉnh Đắk Nông, nông nghiệp luôn chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, khoảng từ 37-39%, riêng năm 2023 chiếm 39,96%. Điều này cho thấy, lĩnh vực nông nghiệp có vai trò rất quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Nông.
Cũng theo ông Đông, trước khi xây dựng Nghị quyết 07/2024/NQ-HĐND, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiến hành khảo sát về thực trạng sản xuất cung ứng giống đối với lĩnh vực trồng trọt trên toàn tỉnh hiện nay.
Qua đó cho thấy, toàn tỉnh hiện có 336 tổ chức, cá nhân hoạt động cung ứng, sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, chủ yếu hoạt động theo thời vụ.
Trong đó, có 11 cơ sở sản xuất để phục cho gia đình, chiếm 3,27%; 205 cơ sở kinh doanh, chiếm 61,01%; 120 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chiếm 35,72%. Số cơ sở có giấy phép đăng ký kinh doanh theo quy định là 53/336 cơ sở, chiếm 15,78%.
Các cây trồng được sản xuất, kinh doanh chủ yếu là cây công nghiệp lâu năm (như cà phê, hồ tiêu, điều, mắc ca...), cây ăn quả (bơ, mít, sầu riêng, bưởi, xoài...).
Trong lĩnh vực chăn nuôi, chủ yếu phát triển chăn nuôi lợn, tập trung chủ yếu trên địa bàn huyện Cư Jút. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 6 cơ sở sản xuất giống quy mô lớn, với tổng số 17.900 con lợn nái, mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 483.000 con lợn cai sữa các loại.
Mặt khác, trên địa bàn còn có các chuỗi tham gia liên kết như Công ty CP, Công ty Japfa, Công ty CJ... đều đã chủ động 100% nguồn giống có năng suất, chất lượng cao.
Đối với trong lĩnh vực thủy sản, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 18 cơ sở kinh doanh giống. Trong đó, có một đơn vị của nhà nước là Trung tâm Khuyến nông và Giống cây trồng nông lâm nghiệp (trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Ông Đông cũng khẳng định, cơ bản các hoạt động sản xuất kinh doanh giống chủ yếu nhập về bán là chính, còn một số hoạt động sản xuất như ươm, ghép chưa phát triển. Qua đó cho thấy, các cơ sở sản xuất kinh doanh giống còn hạn chế về mặt số lượng, chất lượng và quy mô.
Bên cạnh đó, thực trạng hiện nay, vấn đề quản lý sản xuất kinh doanh giống cũng khá phức tạp. Bởi thực tế, các cơ sở hoạt động phần lớn theo thời vụ, thậm chí người dân tự liên hệ và mua giống trực tuyến.
Hàng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm của các cơ sở kinh doanh giống không đảm bảo, nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, kém chất lượng.
Từ thực tiễn nói trên, ông Ngô Xuân Đông cho biết, HĐND tỉnh Đắk Nông ban hành Nghị quyết số 07/2024/NQ-HĐND để hỗ trợ phát triển sản xuất giống trên địa bàn tỉnh.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Nông khẳng định, đây là nghị quyết đầu tiên của tỉnh Đắk Nông liên quan đến chính sách hỗ trợ về sản xuất giống.
Ông Ngô Xuân Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Nông thông tin, trên địa bàn tỉnh có khoảng 142.000ha diện tích cà phê, với sản lượng khoảng 360.000 tấn, đứng thứ 3 của khu vực Tây Nguyên và cả nước. Bên cạnh đó, diện tích hồ tiêu có 34.000ha, lớn nhất toàn quốc.
Khánh Ngọc
Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích5
Hấp dẫn
10
Đặc sắc
15
Tuyệt vời