Sự chậm trễ của chuỗi cung ứng, sai sót trong thiết kế, chi phí cao hơn đã khiến hàng chục dự án điện gió ngoài khơi ở nhiều quốc gia có nguy cơ không được bàn giao kịp thời, các mục tiêu về khí hậu toàn cầu cũng vì thế mà khó đạt.
Phát triển nhưng chưa đủ nhanh
Cuộc đua giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch đang gây áp lực lên các nhà sản xuất và chuỗi cung ứng trong việc đáp ứng nhu cầu năng lượng sạch, đặc biệt là khi Liên minh châu Âu (EU) đang hoàn thiện mục tiêu ràng buộc về mặt pháp lý là sản xuất 42,5% năng lượng từ năng lượng tái tạo vào năm 2030.
Theo Hiệp hội Năng lượng gió châu Âu (WindEurope), để thực hiện mục tiêu mới, sẽ cần tới 420 gigawatt (GW) năng lượng gió, bao gồm 103 GW ở ngoài khơi, gấp đôi công suất hiện tại là 205 GW với 17 GW ở ngoài khơi. Để tiện so sánh: 1 GW bằng 1.000 megawatt (MW), trong khi công suất hiện tại của nhà máy thủy điện Hòa Bình của Việt Nam là 1.920 MW.
Hiện các dự án ngoài khơi Vương quốc Anh, Hà Lan và Na Uy bị trì hoãn hoặc gác lại do chi phí tăng cao và những hạn chế trong chuỗi cung ứng trong khi cuộc đấu giá năng lượng tái tạo tại Anh trong tháng này không thu hút được bất kỳ đơn thầu nào từ các nhà phát triển điện gió ngoài khơi, cũng vì chi phí cao.
Jon Wallace, nhà quản lý đầu tư tại Jupiter Asset Management nói: “Nếu điều này dẫn đến việc các dự án phải tạm dừng kéo dài thì chắc chắn nhiều mục tiêu về năng lượng tái tạo vào năm 2030 sẽ chịu áp lực”.
Ngay cả trước khi EU thống nhất về mục tiêu năng lượng tái tạo mới trong năm nay, các công ty Orsted, Shell, Equinor, nhà sản xuất tua bin gió Siemens Gamesa và WindEurope cảnh báo rằng, ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi không đủ lớn để thực hiện các mục tiêu về khí hậu.
Sự gián đoạn chuỗi cung ứng bắt đầu từ đại dịch Covid-19 đến nay vẫn chưa chấm dứt. Bên cạnh giá vận chuyển cao hơn, chi phí nguyên liệu thô, lãi suất và lạm phát làm giảm lợi nhuận của một số nhà phát triển điện gió.
Ben Backwell, Giám đốc điều hành Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu nói: “Chúng tôi nhận thấy khoảng cách lớn giữa các mục tiêu năng lượng tái tạo và gió cho năm 2030 với con đường chúng tôi đang đi hiện nay. Chúng tôi đang phát triển nhưng chưa đủ nhanh”.
Hoạt động kinh doanh rủi ro
Trong hai thập kỷ qua, ngành công nghiệp điện gió phát triển nhanh chóng, chi phí công nghệ giảm xuống ngang bằng hoặc thậm chí rẻ hơn nhiên liệu hóa thạch ở một số nơi trên thế giới. Tuy nhiên, theo một số giám đốc điều hành và nhà phân tích, cuộc đua phát triển các tua bin lớn hơn và hiệu quả hơn có thể đã diễn ra quá vội vàng.
Tua bin có kích thước tăng gấp đôi qua mỗi thập kỷ: những tua bin lớn nhất hoạt động trong giai đoạn 2021 - 2022 với cánh quạt dài 110 m, công suất 12 - 15 MW. Tuy nhiên, nhà phân tích Rob West của công ty tư vấn Thunder Said Energy cho rằng, kích thước càng lớn thì càng dễ gặp trục trặc.
"Các cánh lớn hơn cần các trụ cứng hơn, mạng lưới và các vật liệu đắt tiền hơn. Chúng cũng sẽ nặng hơn, tạo ra nhiều ứng suất và sức căng qua cánh hơn trong mỗi lần quay", ông West nói.
Hồi tháng 6, Siemens Gamesa cho biết, các vấn đề về chất lượng ở hai tua bin gió trên bờ gần đây nhất của hãng tiêu tốn 1,7 tỷ USD để khắc phục.
Fraser McLachlan - Giám đốc điều hành Công ty bảo hiểm GCube Insurance, cho biết mức độ nghiêm trọng của các yêu cầu bồi thường tăng lên đáng kể. Mọi người đều muốn có công nghệ và thiết bị thế hệ tiếp theo khiến các nhà sản xuất phải cố gắng vượt qua nhau và “kết quả là bạn không nhận được đủ lượng R&D (nghiên cứu và phát triển) đầu tư vào công nghệ”.
Theo ông McLachlan: Việc tham gia thị trường điện gió ngoài khơi đã trở thành một hoạt động kinh doanh rủi ro, không chỉ đối với các công ty bảo hiểm mà còn đối với các nhà sản xuất, nhà phát triển và công ty cung cấp.
Giám đốc điều hành Siemens Gamesa Jochen Eickholt cho biết, bộ phận kinh doanh ở nước ngoài của hãng đang phải đối mặt với những vấn đề khác với các vấn đề trong nước, bao gồm sự chậm trễ trong việc xây dựng công trình, trục trặc trong chuỗi cung ứng và thiếu hụt linh kiện chất lượng cao.
"Chúng tôi đã trở thành nạn nhân của những thành công trong quá khứ. Sản phẩm của chúng tôi nhận được sự quan tâm lớn, số lượng đơn đặt hàng tăng lên trong giai đoạn 2021 - 2022 và nay đòi hỏi chúng tôi phải tăng cường hầu hết hoạt động sản xuất, cơ sở vật chất" - ông Eickholt nói.
Nhà sản xuất tua bin hàng đầu thế giới Vestas cho biết đang gặp khó khăn trong việc giải quyết các đơn đặt hàng tồn đọng và dự kiến tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng sẽ tiếp tục trong năm nay.
Trong khi đó, các chính phủ đang đẩy mạnh các vòng đấu thầu giấy phép khai thác đáy biển. Hãng tư vấn công nghệ Bloomberg New Energy Finance cho biết, họ dự kiến có hợp đồng hơn 60 GW và hợp đồng thuê gió ngoài khơi trên toàn thế giới cho đến cuối năm 2024. Tuy nhiên, một số nhà phát triển điện gió cho biết, giá điện đưa ra tại các cuộc đấu giá quá thấp để họ có thể bắt tay vào các dự án mới.
Ủy ban Châu Âu (EC) cho biết sẽ đưa ra gói biện pháp hỗ trợ các công ty châu Âu đang gặp khó khăn trên Đại Tây Dương. Trong những tháng gần đây, các nhà phát triển bao gồm Orsted, Equinor, BP và Shell tìm cách hủy bỏ hoặc đàm phán lại các hợp đồng với các trang trại gió quy mô thương mại đầu tiên của Mỹ dự kiến hoạt động từ năm 2025 đến 2028.
Ông Backwell - Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu cho biết: Trên thị trường gió ngoài khơi ở nhiều khu vực, tỷ lệ giữa rủi ro và lợi nhuận nằm ngoài giới hạn cho phép. Theo ông Backwell, các chính phủ nên khắc phục vấn đề này nhanh chóng, nếu không chúng ta sẽ phải chứng kiến những thất bại lớn trên thị trường và các mục tiêu kinh tế và khí hậu sẽ không được đáp ứng.
Chủ đề: Công nghiệp điện gió chệch hướng đang đi